Chữ ký số ứng dụng mạnh trong các lĩnh vực thuế, hải quan, BHXH, chứng khoán
heo “Báo cáo tình hình phát triển và ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam năm 2019” được Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) xây dựng và phát hành, 4 lĩnh vực đã đạt được những kết quả ứng dụng ấn tượng là thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội (BHXH), chứng khoán.
Báo cáo năm 2019 là báo cáo lần thứ 4 do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TTTT chủ trì biên soạn. Những thông tin, số liệu, nhận định đưa ra trong Báo cáo được tổng hợp, phân tích từ số liệu khảo sát của các Bộ, Ngành, địa phương và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS).
Báo cáo năm 2019 tập trung cung cấp một số nội dung chính sau: Quản lý nhà nước về CKS và dịch vụ chứng thực CKS; Tình hình phát triển và ứng dụng CKS công cộng; Tình hình phát triển và ứng dụng CKS chuyên dùng trong cơ quan nhà nước; Tình hình phát triển và ứng dụng CKS chuyên dùng trong tổ chức, doanh nghiệp (DN); Tình hình phát triển và ứng dụng CKS nước ngoài tại Việt Nam; Ứng dụng CKS trong các lĩnh vực.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản như Nghị định số 130/2018/MĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS; Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Nghị định số 165/2019/NĐ-CP ngày 24/12/2018 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Quyết định số 28/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia là những văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo quan trọng, làm căn cứ cho việc xây dựng và phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, trong đó CKS là một thành tố quan trọng đảm bảo tính pháp lý, bảo mật cho giao dịch điện tử của người dân, DN và cơ quan, tổ chức.
Báo cáo đã thông tin tình hình phát triển cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ứng dụng CKS đạt kết quả cao tại một số ngành như Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Chứng khoán. Đơn cử, sau 10 năm triển khai cung cấp DVCTT ứng dụng CKS tại Tổng cục Thuế, hiện nay tần suất sử dụng ngày càng tăng cao.
Tính đến 31/12/2018, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 685.002 DN (không bao gồm các đơn vị chi nhánh, trực thuộc) trên tổng số 697.595 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,2%. Tính đến 31/3/2019, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 703.753 DN (không bao gồm các đơn vị chi nhánh, trực thuộc) trên tổng số 711.748 DN đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,87%.
Trong lĩnh vực Hải quan, cung cấp DVCTT là một trong những công việc quan trọng đã và đang được ngành Hải quan triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang cung cấp 181 DVCTT ứng dụng CKS để xác thực và 170 DVCTT mức độ 4 ứng dụng CKS để xác thực, trong đó có các dịch vụ như: Hệ thống VNACCS/VCIS Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cổng thanh toán điện tử thu thuế xuất nhập khẩu Cổng thông tin điện tử Hải quan.
Trong lĩnh vực BHXH, sau gần 03 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 09/3/2015 về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế, DVCTT ứng dụng CKS của ngành BHXH đã có những phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Trong lĩnh vực chứng khoán, hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang sử dụng CKS trong các hệ thống như: hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán; phần mềm quản lý báo cáo thống kê nội bộ; hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư; hệ thống CSDL quản lý công ty chứng khoán; hệ thống CSDL quản lý nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống công bố thông tin.
Trong khi đó, việc ứng dụng CKS trong dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước ngoài những ưu điểm tiết kiệm về thời gian, chi phí, còn giảm thiểu được việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị; thông tin thanh toán nhanh chóng và bảo mật; minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua báo cáo thống kê trên DVCTT, tăng trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Một trong những hiệu quả của ứng dụng dịch vụ công trực tuyến là hỗ trợ quản lý, tạo lập CSDL về các đối tượng áp dụng.
Báo cáo có các phụ lục giới thiệu về NEAC thuộc Bộ TTTT, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng gồm 12 DN (VNPT-CA, CA2, BKAV CA, Viettel CA, FPT-CA, NEWTEL-CA, SAFE-CA, SMARTSIGN, EFY-CA, TRUST-CA, MISA, CMC).
Việc công bố “Báo cáo tình hình phát triển và ứng dụng CKS tại Việt Nam” qua các năm đã nhận được phản hồi tích cực của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Báo cáo đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ công tác quản lý nhà nước và nguồn thông tin tin cậy về tình hình phát triển và ứng dụng CKS trong các hoạt động giao dịch điện tử tại Việt Nam./.
Theo MIC